Nhà nước có các chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật nào? Việc cung cấp nội dung và thực hiện bằng những hình thức nào? Cơ quan nào có trách nhiệm phổ biến thông tin pháp luật cho người dân nơi ông đang ở?
Ông Siu Th. người Jrai đang sinh sống tại xã Ia T. huyện Chư P. (là xã biên giới, thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có nhiều bà con người Jrai sinh sống), sau khi xem Chương trình Thời sự của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Gia Lai có nội dung về chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số huyện. Ông Th. rất quan tâm về các chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ông Th. muốn biết, đối với vùng ông đang sinh sống thì Nhà nước có các chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật nào? Việc cung cấp nội dung và thực hiện bằng những hình thức nào? Cơ quan nào có trách nhiệm phổ biến thông tin pháp luật cho người dân nơi ông đang ở?
Gợi ý
Nội dung mà ông Siu Th. muốn tìm hiểu được quy định tại Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Vùng ông Th. đang sinh sống là xã biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số (thuộc tỉnh Gia Lai - khu vực Tây Nguyên). Do vậy, sẽ được hưởng các chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (là một trong những đối tượng đặc thù của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).
- Về chính sách: Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Về nội dung và hình thức: Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, quốc phòng, biên giới, chủ quyền quốc gia, biển, đảo, tài nguyên, khoáng sản và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân được chú trọng thực hiện thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa truyền thống.
- Về cơ quan có trách nhiệm phổ biến thông tin pháp luật: Ủy ban nhân dân các cấp (tỉnh/huyện/xã) tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; chủ trì phối hợp với Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.